26/12/2024

Bệnh đau đầu: 10 loại thường gặp và 19 cách điều trị tự nhiên tại nhà (đã kiểm chứng)

Hầu như tất cả chúng ta đều đã từng bị đau đầu (theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO). Nhức đầu là dạng đau phổ biến nhất.

Một vài người chỉ bị đau một bên đầu hoặc vùng thái dương, một số người bị đau khắp đầu, một số khác còn bị đau đầu buồn nôn. Các cơn đau có thể xuất hiện đột ngột, tự nhiên đau đầu trong vài phút hoặc kéo dài nhiều ngày.

Thuốc giảm đau chỉ có tác dụng tạm thời, hoàn toàn không thể chữa dứt cơn đau.

Tin vui là: không phải tất cả các cơn đau đầu đều cần phải đến bác sĩ. Nhưng đôi khi đau đầu cảnh báo về một triệu chứng rối loạn khác nghiêm trọng hơn.

Mỗi loại đau đầu lại ứng với một nguyên nhân và có thể cách tiếp cận điều trị là khác nhau.

Bởi vậy trong bài viết này ATZ sẽ trình bày cho bạn chi tiết những loại đau đầu thường gặp và những cách điều trị hiệu quả nhất (bao gồm cả những cách trị đau nhức đầu hoàn toàn tự nhiên không sử dụng thuốc có thể tự làm tại nhà)

Tiếp tục đọc nhé!

 

Đau đầu là gì?

20241226_NJEUpUGi.jpg

Theo Quỹ nghiên cứu và giáo dục y tế Mayo, đau đầu là đau ở bất kỳ vùng nào của đầu. Nhức đầu có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên đầu, ở một vị trí nhất định, tỏa ra khắp đầu từ một điểm hoặc cảm giác như bị nén chặt đầu lại.

Đau đầu có thể xuất hiện dưới dạng cảm giác đau nhói hoặc đau âm ỉ. Cơn nhức đầu có thể phát triển dần dần hoặc đột ngột, và có thể kéo dài từ dưới một giờ đến vài ngày (hoặc lâu hơn).

 

Nguyên nhân đau đầu, phân biệt 10 loại đau đầu phổ biến và các triệu chứng đi kèm thường gặp

Các yếu tố dẫn đến đau đầu có thể là:

  1. Cảm xúc: căng thẳng, trầm cảm hoặc lo lắng…
  2. Bệnh lý: ví dụ đau nửa đầu hoặc huyết áp cao…
  3. Thể chất: ví dụ như chấn thương, làm việc nặng…
  4. Môi trường: ví dụ thời tiết thay đổi…

Nhức đầu thường xuyên hoặc nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một người. Biết cách nhận biết các loại đau đầu và nguyên nhân đau đầu có thể giúp một người có quyết định phù hợp.

Và thật ra 10 loại này được chia làm nhóm vào 2 kiểu đau đầu chính: đau đầu nguyên phát (primary headaches) và đau đầu thứ phát (secondary headaches)

Đau đầu nguyên phát (Primary headaches)

Đau đầu nguyên phát xảy ra khi cơn đau trong đầu bạn không phải xuất phát từ những nguyên nhân khác mà cơ thể bạn đang phải chống chọi như bệnh tật hoặc dị ứng.

Những cơn đau đầu này có thể quy về 2 dạng: đau đầu từng cơn và đau đầu mãn tính.

  • Đau đầu từng cơn có thể xảy ra thường xuyên hoặc thậm chí chỉ một lần trong một khoảng thời gian. Chúng có thể kéo dài bất cứ nơi nào từ nửa giờ đến vài giờ.
  • Đau đầu mãn tính dai dẳng hơn. Chúng có thể xảy ra hầu hết các ngày trong tháng và có thể kéo dài nhiều ngày tại một thời điểm.

Có 3 loại đau đầu trong nhóm này: do căng thẳng, đau theo cụm và đau nửa đầu.

1. Đau đầu do căng thẳng (Tension headaches)

Loại đau đầu phổ biến nhất ngày nay. Nếu bạn bị đau đầu do căng thẳng, bạn có thể cảm thấy nhức đầu, đau âm ỉ khắp đầu. Nó không phải đau nhói. Đau hoặc nhạy cảm quanh cổ, trán, da đầu hoặc cơ vai cũng có thể xảy ra.

Bất cứ ai cũng có thể bị đau đầu do căng thẳng và nguyên nhân chính? Dĩ nhiên là do căng thẳng (hoặc các vấn đề cảm xúc khác).

2. Đau đầu theo cụm/vùng (Cluster headaches)

Đau đầu từng cụm là một triệu chứng dễ xảy ra ở những người trưởng thành, thông thường cơn đau sẽ xuất hiện sau khi ngủ dậy từ 1 đến 3 tiếng.

Cơn đau sẽ tập trung thành từng cụm, đau lan ra trán hoặc thái dương. Nhiều người bệnh cũng sẽ có cảm giác đau đầu buồn nôn hoặc bị nghẹt mũi (link qua bài nghẹt mũi) kèm theo loại đau đầu này.

Thông thường, cơn đau này sẽ khó chịu và dai dẳng nhất trong những loại đau đầu thường gặp, khó có thể chữa trị nếu không làm đúng cách.

Nguyên nhân của đau đầu theo cụm là do sự giãn nở hoặc mở rộng trong các mạch máu dẫn đến não và khuôn mặt của bạn. Sự giãn nở này gây ra áp lực lên dây thần kinh sinh ba, truyền cảm giác từ mặt đến não. Không rõ tại sao sự giãn nở này xảy ra.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những bất thường ở vùng dưới đồi hypothalamus (một vùng nhỏ của não điều chỉnh nhiệt độ cơ thể), huyết áp, giấc ngủ và giải phóng hormone, có thể là nguyên nhân gây ra đau đầu theo cụm.

3. Đau nửa đầu / đau đầu migraine (Migraine)

Đau nửa đầu, còn có tên gọi khoa học khác là Migraine, là một triệu chứng nhức đầu thường kéo dài hàng giờ liền. Biểu hiện của căn bệnh này là những cơn nhức đầu sẽ liên tục xảy ra dần dần theo cường độ từ nhẹ đến nặng.

Cơn đau thường sẽ xuất hiện từ nửa đầu bên phải hoặc bên trái rồi từ từ lan rộng ra khiến cho người bệnh vô cùng khó chịu.

Người mắc triệu chứng này sẽ có cảm giác bị giật thon thót ở phần đỉnh đầu theo nhịp đập của tim mạch. Một số người sẽ còn có cảm giác như bị búa đập vào đầu hoặc như bị kim châm chích vào từng cơn.

Thông thường, những cơn đau nửa đầu có thể kéo dài từ vài tiếng cho đến vài ngày tùy tình trạng bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị kèm theo những triệu chứng bị suy giảm thị lực, giảm chức năng giao tiếp hoặc liên tục bị buồn tiểu.

Hầu như mọi thứ hàng ngày đều có thể là nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu – thực phẩm, đồ uống, tập thể dục, thuốc men, căng thẳng, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, đèn sáng khi ngủ, đói, mùi, hocmon…

Hãy lưu lại danh sách các nguyên nhân có thể xảy ra bệnh đau nửa đầu của các bác sĩ và chuyên gia tại WebMD. In nó ra và kiểm tra. Nên xem lại và theo dõi trong vài tuần hoặc vài tháng để biết chính xác nguyên nhân của bạn là gì.

Lưu ý: Đau nửa đầu khác gì với đau đầu?

Hai căn bệnh này tuy chỉ thêm bớt nhau một chữ nhưng mức độ và triệu chứng thì hoàn toàn khác.

Bệnh đau nửa đầu sẽ có tần suất và cường độ nhức dài cũng như dai dẳng hơn bệnh đau đầu nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, bệnh đau nửa đầu sẽ khiến cho người bệnh dần bị suy nhược cơ thể và thường xuyên có những cơn đau nằm trong mức độ không thể chịu đựng được.

Đau đầu thứ phát (Secondary headaches)

Đau đầu thứ phát xảy ra khi đau đầu là triệu chứng của một loại bệnh khác hoặc do một nguyên nhân khác gây ra trên cơ thể bạn.

Cách tốt nhất để trị dứt đau đầu thứ phát là giải quyết nguyên nhân chính đã gây ra đau đầu. Và có 7 loại đau đầu thứ phát thường thấy:

4. Đau đầu do dị ứng hoặc xoang (Allergy or sinus headaches)

Cơn đau đầu này thường tập trung ở vùng xoang và phía trước đầu của bạn.

Bởi có tới 90% cơn đau đầu do xoang mũi gây ra là đau nửa đầu (migraine) nên rất dễ chuẩn đoán nhầm đau đầu xoang là đau nửa đầu.

Những người bị dị ứng theo mùa mãn tính hoặc viêm xoang rất dễ bị các loại đau đầu này.

5. Đau đầu do hocmon (Hormone headaches)

Phụ nữ thường trải qua những cơn đau đầu có liên quan đến sự dao động nội tiết tố. Thời kỳ kinh nguyệt, thuốc tránh thai và mang thai đều ảnh hưởng đến mức estrogen của bạn, có thể là nguyên nhân gây đau đầu.

Những cơn đau đầu liên quan cụ thể đến chu kỳ kinh nguyệt còn được gọi là chứng đau nửa đầu kinh nguyệt. Cơn đau có thể xảy ra ngay trước, trong hoặc ngay sau khi kinh nguyệt, cũng như trong quá trình rụng trứng.

6. Đau đầu do chất caffein (Caffeine headaches)

Caffein ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến não của bạn. Có quá nhiều lượng caffein có thể khiến bạn đau đầu. Những người thường xuyên bị đau đầu có nguy cơ bị đau đầu do sử dụng caffeine.

Khi bạn sử dụng một lượng caffeine nhất định mỗi ngày, bạn có thể bị đau đầu nếu bạn không thể nạp đúng lượng caffein đó. Điều này là do caffeine làm thay đổi các chất hóa học trong não của bạn và rút nó khỏi cơ thể đột ngột có thể gây ra đau đầu.

7. Đau đầu vận động (Exertion headaches)

Sau thời gian hoạt động thể chất quá sức, bạn có thể bị đau đầu.

Tập tạ, chạy bộ và quan hệ tình dục là những nguyên nhân phổ biến gây ra kiểu đau đầu này.

Bởi những hoạt động này làm tăng lưu lượng máu đến hộp sọ của bạn đột ngột, và điều này có thể dẫn đến đau nhói ở hai bên đầu của bạn.

Cơn đau đầu vận động không nên kéo dài quá lâu. Loại đau đầu này thường hết trong vài phút hoặc vài giờ. Nếu kéo dài lâu hơn bạn nên gặp bác sĩ.

8. Đau đầu huyết áp cao (Hypertension headaches)

Huyết áp cao có thể khiến bạn bị đau đầu, và loại đau đầu này báo hiệu trường hợp khẩn cấp và rất nguy hiểm.

Đau đầu huyết áp cao thường sẽ xảy ra ở cả hai bên đầu của bạn và thường sẽ tồi tệ hơn khi bạn thực hiện bất kỳ hoạt động nào. Bạn cũng có thể bị yếu thị lực, tê cứng hoặc ngứa ran, chảy máu cam, đau ngực hoặc khó thở.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang bị đau đầu do huyết áp cao, bạn nên đi bệnh viện ngay lập tức.

9. Đau đầu do lạm dụng thuốc (Rebound headaches)

Bạn có thể cảm thấy như đau âm ỉ, gần giống đau đầu do căng thẳng, hoặc có thể cảm thấy đau dữ dội hơn, giống như đau nửa đầu.

Nếu bạn thường sử dụng các loại thuốc giảm đau, bạn rất dễ gặp phải loại đau đầu này. Việc lạm dụng các loại thuốc giảm đau đầu lại dẫn đến tác dụng ngược đau đầu nhiều hơn.

Các loại thuốc chứa cafein cũng có thể dẫn đến loại đau đầu này.

Và cách tốt nhất là ngưng dùng các loại thuốc giảm đau đó.

10. Đau đầu sau chấn thương (Post-traumatic headaches)

Đúng như cái tên, bạn bị té ngã, chấn thương hoặc bị ai đó đánh vào đầu sẽ dẫn đến loại đau đầu này.

Những cơn đau đầu này giống như đau nửa đầu hoặc nhức đầu do căng thẳng, và nó thường kéo dài đến 6 đến 12 tháng sau khi chấn thương của bạn xảy ra. Nó cũng có thể trở thành mãn tính nếu không được chữa trị kịp thời.

 

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đau đầu cao

20241226_TYN7YXe9.jpg

Mọi người đều có thể là một đối tượng của căn bệnh nguy hiểm này cho nên việc thận trọng và sử dụng những biện pháp phòng ngừa hỗ trợ khỏi bệnh đau đầu là một điều nên làm.

Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, một số đối tượng có thể dễ gặp những triệu chứng nhức đầu thường là:

  • Nhân viên văn phòng hay ngồi làm việc lâu trên máy tính: Việc sử dụng những thiết bị điện tử và tiếp xúc lâu với chúng có thể khiến não bộ bị căng thẳng. Ngoài ra, khi cơ thể chúng ta ngồi yên một chỗ thường sẽ không thể có một quá trình trao đổi chất tốt. Vì vậy, cơ thể dễ dàng bị thiếu dưỡng chất và hay bị choáng, gây ra đau đầu thường xuyên.
  • Người hay bị căng thẳng kéo dài: Khi não bộ phải xử lý quá nhiều việc liên tục trong một thời gian dài thì việc đau đầu chính là một hồi chuông cảnh báo. Nếu cơ thể thường xuyên phải chịu những áp lực không tên và không thể xử lý nó một cách triệt để thì sẽ rất dễ dẫn đến những cơn đau đầu triền miên mà không có thuốc chữa.
  • Người lớn tuổi: Cơ thể ngày càng già đi đồng nghĩa với việc những chức năng của những bộ phận trong cơ thể sẽ dần không còn hoạt động tốt như xưa. Chính vì thế, người lớn tuổi thường sẽ gặp những triệu chứng đau đầu thường xuyên mà thông thường là do khi còn trẻ không có chế độ sinh hoạt cũng như bảo dưỡng cơ thể cho thật tốt.
  • Phụ nữ sau sinh: Sau khi sinh thì hàm lượng hormone sinh dục nữ của cơ thể những người phụ nữ sẽ bị thay đổi. Do đó, thông thường sẽ xuất hiện những tình trạng bệnh lý như đau nửa đầu, đặc biệt là khi trong kỳ kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh.

 

19 Cách chữa đau đầu tự nhiên tại nhà hiệu quả

1. Uống nước

Uống đủ nước có thể giúp ngăn ngừa đau đầu hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của chúng.

Mất nước có thể là một nguyên nhân cơ bản của nhiều cơn đau đầu đơn giản. Nó cũng có thể thay đổi cách một người cảm thấy như thế nào, hành động hoặc suy nghĩ.

Như một nghiên cứu trên tạp chí Antioxidants lưu ý tình trạng mất nước nhẹ có thể thay đổi cách mọi người suy nghĩ và hoạt động, sẽ khiến họ cảm thấy mệt mỏi, bệ rạc hơn cho dù có bị đau đầu hay không.

Bạn có thể làm rất đơn giản bằng cách luôn mang theo một chai nước bên mình để sử dụng suốt cả ngày. Ăn thực phẩm có nhiều chất lỏng, như trái cây, sinh tố, hoặc súp, cũng có thể cải thiện tình trạng mất nước.

2. Chườm lạnh hoặc chườm nóng

20241226_JkXRMNN4.jpg

Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Y học & Sức khỏe Cộng đồng Hawai, cho thấy rằng chườm túi nước đá vào cổ trong 30 phút giúp giảm đau đáng kể ở những người bị chứng đau nửa đầu.

Trong các trường hợp khác, chẳng hạn như đau đầu do căng thẳng (các cơ bị bó quá chặt nhau) khiến máu khó lưu thông lên não và bị tắc ở cổ, một túi chườm nóng có thể giúp thư giãn các cơ này và mang lại sự nhẹ nhõm.

Bạn cũng có thể sử dụng một chiếc khăn nóng, tắm vòi sen hoặc ngâm bồn nước nóng.

Tuy nhiên cách tốt nhất là kết hợp túi chườm với liệu pháp hương thơm bởi hương thơm có thể giúp chúng ta thư giãn sâu được. Bạn có thể tham khảo qua sản phẩm túi chườm thảo dược nóng lạnh đa năng cho cổmắt của ATZ Organic, nó có thể giúp bạn giảm đau đầu và thư giãn ngay sau 15 phút sử dụng.

3. Loại bỏ bất kỳ áp lực nào lên đầu

Trong một số trường hợp sẽ có một vài lý do vật lý nào đó gây ra đau đầu.

Kiểm tra bất cứ điều gì đang gây quá nhiều áp lực lên đầu. Đây có thể là do bạn cột tóc đuôi ngựa quá chặt, đội mũ bảo hiểm ¾ hoặc fullframe quá lâu, hay sử dụng băng đô quá chặt và dài….

4. Tắt đèn

Một số người bị đau đầu trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Đèn văn phòng sáng hoặc thậm chí ánh sáng chói từ smartphone cũng có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.

Hãy nghỉ ngơi trong một căn phòng đủ tối trong lúc hồi phục sau cơn đau đầu.

Thử một ít trà thảo mộc (hoặc các dạng thảo dược khác)

20241226_H1B1T5Gv.jpg

Trà thảo dược có thể là một cách hữu ích để vừa thêm nước vào cơ thể đồng thời tận hưởng những lợi ích của các hợp chất tự nhiên có trong nó.

Ví dụ trà gừng có thể giúp giảm đau nửa đầu. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy bột gừng có tác dụng tương tự như một loại thuốc thông thường để giảm chứng đau nửa đầu. Một tách trà đơn giản gồm nước ấm và bột gừng có thể giúp giảm triệu chứng.

Một số nghiên cứu lâm sàng đã thử nghiệm tác dụng của gừng ở những người bị chứng đau nửa đầu. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy dùng bổ sung chiết xuất gừng 400 mg với ketoprofen – một loại thuốc chống viêm không steroid – giảm triệu chứng đau nửa đầu tốt hơn so với dùng ketoprofen đơn thuần.

Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy 250 mg bổ sung bột gừng làm giảm các triệu chứng đau nửa đầu tác dụng tốt giống như sử dụng thuốc sumatriptan theo chỉ định của bác sĩ.

Các loại trà có khả năng làm dịu khác bao gồm các loại thảo mộc như bạc hà, hoa cúc và hoa oải hương.

Ngoài ra bạn cũng có thể thử các dạng cung cấp những chất tự nhiên từ thảo dược khác như uống viên nén thảo dược, gel thảo dược, bột, viên ngậm…

5. Tập luyện

Tập thể dục có thể giúp giữ cho cơ thể khỏe mạnh và thúc đẩy lưu thông tốt hơn, điều này có thể làm giảm khả năng đau đầu xuất hiện.

Một đánh giá năm 2018 về nghiên cứu được công bố trên tạp chí Children lưu ý rằng tập thể dục quá ít có thể thực sự ảnh hưởng đến chứng đau đầu ở thanh thiếu niên. Tập thể dục thường xuyên, vừa phải có thể giúp ích, chẳng hạn như đi bộ nhanh hoặc đi xe đạp trong 30 phút mỗi ngày.

Dưới đây là hướng dẫn các động tác Yoga cơ bản nhưng có thể giúp bạn giảm nhanh cơn đau đầu do huấn luyện viên Yoga phục hồi Adriene hướng dẫn:

Lưu ý: Nhớ chú ý hơi thở trong lúc tập nhé.

6. Kiểm tra nguồn thực phẩm đang ăn

Thức ăn có thể là nguồn tác nhân dẫn đến đau đầu.

Nếu cơn đau của bạn xuất hiện sau bữa ăn, bạn nên ghi chép lại những thực phẩm đã sử dụng trong một ngày. Việc này có thể giúp bạn xác định và loại bỏ những loại thực phẩm gây đau đầu cho bạn.

7. Ngủ

Thiếu ngủ hay mất ngủ có thể dẫn đến đau đầu vào buổi sáng.

Ngủ quá nhiều hoặc quá ít hoặc không ngủ ngon giấc có thể ảnh hưởng đến cơn đau đầu ở một số người, vì họ không nghỉ ngơi đầy đủ.

Trong một nghiên cứu được báo cáo trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, các yếu tố quan trọng nhất cho chứng đau đầu vào buổi sáng mãn tính là lo lắng và trầm cảm. Tình trạng sức khỏe tâm thần cũng có thể dẫn đến mất ngủ, điều này có thể làm tăng thêm nguy cơ đau đầu buổi sáng.

Bạn hãy nhớ:

  1. Cam kết một lịch trình ngủ đúng giờ và tuân thủ đúng theo giờ sinh học của bạn.
  2. Tránh các chất kích thích trước khi đi ngủ. Các chất kích thích như rượu, đường, nicotine, caffeine có thể khiến bạn không ngủ được và khiến bạn thức đêm khi đi vệ sinh.
  3. Chọn một hoạt động thư giãn trước khi đi ngủ. Tắt tivi hoặc máy tính (dĩ nhiên cả smartphone), đừng đụng đến màn hình thiết bị trước khi bạn ngủ
  4. Đảm bảo nhiệt độ phòng của bạn mát mẻ và phòng bạn đủ tối nhé.

Một bài báo trong tạp chí Sleep đã khuyên rằng: người trưởng thành nên cố gắng ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm. Hãy dành sự quan tâm cho giấc ngủ của mình nhé.

8. Châm cứu

Châm cứu là một phần của y học cổ truyền, các bác sĩ sẽ đặt những chiếc kim nhỏ lên bề mặt da. Mục đích không phải là để gây đau mà là kích thích năng lượng cơ thể của chính mình.

Đánh giá được công bố trên tạp chí Children lưu ý rằng nghiên cứu đã chỉ ra: châm cứu là một cách hiệu quả để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng hoặc giảm tần suất của chúng.

9. Hạn chế nhai

Nhai kẹo cao su có thể làm tổn thương không chỉ hàm của bạn, mà cả đầu của bạn.

Điều tương tự cũng diễn ra khi cắn móng tay, môi hoặc các vật dụng như bút, thước…

Hãy tránh các loại thức ăn giòn và dính, khi ăn chúng ta nên cắn những miếng nhỏ.

Nếu bạn nghiến răng vào ban đêm, hãy hỏi nha sĩ về cách bảo vệ miệng. Điều này có thể kiềm chế cơn đau đầu buổi sáng của bạn.

10. Xoa bóp massage và bấm huyệt chữa đau đầu

Vâng, massage có vẻ xa xỉ nhưng nó cũng cực kỳ hiệu quả khi bạn bị đau đầu. Đôi khi đau đầu do căng thẳng ở phần trên cơ thể do căng cơ, do tư thế sai hoặc thói quen tập luyện.

Liệu pháp massage có thể có thể làm giảm đau đầu mãn tính cũng như giảm căng cơ gây đau đầu.

Hai clip bên dưới rất ngắn (chỉ hơn 1 phút) nhưng những hướng dẫn trong đó cực kỳ hữu ích, có thể giúp bạn giảm đau đầu ngay với massage và bấm huyệt đấy. Thử đi nhé!

Hướng dẫn massage với đại học Carrington:

11. Kéo giãn cơ

Tắc nghẽn hoặc bó cơ ở cổ cũng là một nguyên nhân phổ biến gây đau đầu (vì máu không truyền lên não được). Bởi vậy các bài tập kéo giãn cơ cũng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều đấy.

Hãy xem các động tác yoga được hướng dẫn bởi huấn luyện viên Nguyễn Hiếu bên dưới nhé.

12. Áp dụng các kỹ thuật thư giãn sâu

Việc áp dụng các kỹ thuật thư giãn sâu có tác động lớn đến việc giảm thiểu đau đầu.

Ngâm nước nóng, thiền định, thở bằng bụng, nghe các bài nhạc không lời, những âm thanh tự nhiên như tiếng nước chảy, tiếng mưa, tiếng sóng…, những bài nhạc nhẹ…đều có thể giúp tinh thần của bạn phấn chấn và thoải mái hơn.

Hãy tập trung vào việc thả lỏng và thư giãn các cơ quan trên cơ thể.

Nếu bạn đang bị stress, lo lắng thì đây là một cách giảm đau đầu rất tốt.

13. Caffein

Uống đồ uống có caffeine, chẳng hạn như cà phê, trà hoặc soda, đôi khi có thể là cách giảm đau đầu.

Một số loại thuốc giảm đau được thiết kế cho đau đầu bao gồm caffeine, vì hợp chất có thể cải thiện hiệu quả của chúng.

Như một đánh giá được công bố trên Journal of Headache and Pain, caffeine tự nó có thể giúp giảm các triệu chứng đau đầu do căng thẳng hoặc đau nửa đầu. Caffeine có xu hướng làm thư giãn các mạch máu, có thể hỗ trợ lưu thông và giảm căng thẳng.

Tuy nhiên nếu sử dụng caffeine quá thường xuyên cũng là nguyên nhân dẫn đến đau đầu đấy. Đừng lạm dụng nhé.

14. Sử dụng tinh dầu

20241226_nq0pefE9.jpg

Bằng việc sử dụng những mùi hương từ tự nhiên hoặc chiết xuất từ thảo mộc mà nhiều người đã có thể tự chữa trị những cơn nhức đầu kinh niên ngay tại nhà.

Từ xa xưa, dân gian đã hiểu và biết được những mùi hương có công dụng đặc trị và giúp giảm thiểu những căn bệnh một cách nhanh chóng cùng với việc hoàn toàn không có phản ứng phụ như việc sử dụng những loại thuốc thông thường.

Khi sử dụng liệu pháp này, bạn có thể áp dụng một số phương pháp như:

  • Trực tiếp ngửi mùi hương từ tinh dầu từ nắp chai
  • Sử dụng máy khuếch tán tinh dầu vào không khí
  • Massage trực tiếp lên da bằng tinh dầu

***Lưu ý 1: khi thoa trực tiếp lên da bạn phải sử dụng các loại dầu hòa tan (có tính chất giúp các loại tinh dầu thẩm thấu tốt hơn) như dầu dừa, dầu oliu, dầu hạnh nhân. Pha 5 giọt tinh dầu với 30 ml dầu hòa tan sẽ cho ra kết quả tốt nhất.

***Lưu ý 2: rằng chỉ nên sử dụng được những phương pháp này với những sản phẩm tinh dầu đạt đủ tiêu chuẩn và được chiết xuất hoàn toàn từ những nguyên liệu tự nhiên.

Có 5 loại tinh dầu tốt nhất mà bạn có thể sử dụng khi bị đau đầu:

  1. Tinh dầu bạc hà: Đây là một trong những loại tinh dầu được sử dụng phổ biến nhất để điều trị nhức đầu và đau nửa đầu. Nó chứa tinh chất bạc hà (menthol), có thể giúp thư giãn cơ bắp và giảm đau, dĩ nhiên là có thể làm giảm triệu chứng đau đầu.
  2. Tinh dầu hương thảo: Có đặc tính chống viêm và giảm đau mạnh. Nó được sử dụng trong y học dân gian trong hàng trăm năm qua để giảm căng thẳng, giảm đau và cải thiện lưu thông, nó có thể cách giảm đau đầu hiệu quả. Theo nghiên cứu năm 2013, nó còn có thể giúp giảm triệu chứng cai nghiện khi kết hợp với các loại thuốc khác.
  3. Tinh dầu lavender (oải hương): Nó thường được sử dụng để giảm căng thẳng và thư giãn. Cũng có bằng chứng xác thực hoa oải hương có thể giúp điều trị đau đầu và đau nửa đầu. Cũng trong một nghiên cứu năm 2013, người ta có thể giảm đau đáng kể chỉ sau 15 phút hít dầu oải hương.
  4. Tinh dầu khuynh diệp: Nếu bạn đau đầu do xoang, dị ứng thì khuynh diệp là sự lựa chọn tuyệt vời. Nó sẽ mở đường mũi, làm thông xoang và giúp giảm áp lực xoang gây đau đầu. Một nghiên cứu năm 1994 cũng cho thấy rằng sự kết hợp của tinh dầu bạc hà, tinh dầu khuynh diệp và ethanol mang lại hiệu quả thư giãn cho cả cơ bắp và tâm trí, có thể giúp làm dịu cơn đau đầu.
  5. Tinh dầu gừng: Và dĩ nhiên không thể bỏ qua loại tinh dầu này trong việc chữa đau đầu. Mình đã nói kỹ về gừng trong phần sử dụng trà thảo dược, bạn có thể xem lại nhé.

15. Bổ sung magie vào bữa ăn

20241226_GQTExNyA.jpg

Một đánh giá năm 2015 được công bố trên tạp chí Nutrients cho thấy rằng những người thường xuyên bị đau đầu theo cụm hoặc đau nửa đầu có thể có nhiều khả năng có mức magiê thấp.

Hãy thêm magie vào chế độ ăn uống, như một chất bổ sung, có thể giúp giảm đau đầu hoặc ngăn ngừa chúng trong những trường hợp này.

Bạn có thể tìm thấy magie nhiều trong các thực phẩm như:

  1. Socola đen
  2. Các loại hạt (như hạnh nhân, hạt điều, óc chó…)
  3. Các cây họ đậu (như đậu hà lan, đậu xanh, đậu nành…)
  4. Đậu hũ
  5. Hạt hướng dương
  6. Hạt bí
  7. Hạt chia
  8. Các loại ngũ cốc
  9. Chuối
  10. Các loại rau xanh.

Chế độ ăn uống được khuyến nghị cho magie cho nam giới trưởng thành là 400-420mg mỗi ngày, cho nữ giới trưởng thành là 310-320 mg mỗi ngày.

16. Bổ sung vitamin B

20241226_ljlPA5x8.jpg

Một số vitamin B có thể giúp ngăn ngừa đau đầu hoặc giảm mức độ của chúng. Một đánh giá năm 2015 trên Biomed Research International nói rằng vitamin (bao gồm vitamin B9 và vitamin B6, B12) đều có thể đóng vai trò trong việc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu hoặc giảm các triệu chứng đau đầu.

Bạn có thể mua viên nén có bán ở các hiệu thuốc hoặc sử dụng thực phẩm để bổ sung vitamin.

Các nhóm vitamin B này có nhiều trong:

  1. Cá hồi
  2. Các loại rau xanh
  3. Trứng
  4. Sữa
  5. Thịt bò
  6. Hàu, nghêu, hến
  7. Các cây họ đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ)
  8. Thịt gà
  9. Yogurt (sữa chua)
  10. Hạt hướng dương

17. Bổ sung vitamin E

20241226_kwc1g7Ux.jpg

Vitamin E cũng có thể đóng một vai trò trong các triệu chứng đau đầu. Một đánh giá năm 2015 về việc bổ sung vitamin đã chỉ ra rằng vitamin E có thể làm giảm đau đầu và các triệu chứng đau nửa đầu do kinh nguyệt gây ra với nguy cơ tác dụng phụ rất thấp.

Đây là tin tốt đối với những phụ nữ bị chứng đau nửa đầu trong chu kỳ kinh nguyệt, vì vitamin E có thể giúp giữ cho hormone của họ cân bằng để ngăn ngừa các triệu chứng.

Và dĩ nhiên bạn có thể bổ sung vitamin E dưới dạng viên nén mua ở hiệu thuốc, hoặc qua các loại thực phẩm giàu vitamin E như:

  1. Hạt hướng dương
  2. Hạt hạnh nhân
  3. Rau chân vịt (cải bó xôi)
  4. Đu đủ
  5. Kiwi
  6. Bông cải xanh
  7. Dầu oliu
  8. Tôm
  9. Cá hồi

18. Hạn chế (hoặc không sử dụng) chất cồn

Một số người có thể không hợp với việc uống quá nhiều đồ có cồn (rượu, bia…). Nhức đầu là một trong những tác dụng phụ phổ biến hơn của việc này. Nguyên nhân có thể là do chất cồn đóng vai trò là chất lợi tiểu, khiến cơ thể giải phóng nhiều nước hơn qua nước tiểu.

Ngay cả khi uống rượu nhẹ hoặc uống với lượng vừa phải, rượu vẫn có thể dẫn đến các triệu chứng mất nước nhẹ ở một số người hoặc làm cho cơn đau đầu tồi tệ hơn.

Nếu cồn thật sự làm bạn bị đau nhức đầu, hãy ngừng sử dụng ngay nhé!

19. Tránh tiếp xúc với hóa chất hoặc các mùi mạnh (hoặc các tác nhân gây dị ứng khác)

Đối với những người thường xuyên bị đau nửa đầu, tránh mùi mạnh có thể là một cách khôn ngoan cần thực hiện.

Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy mùi từ các nguồn như nước hoa hoặc các hóa chất có mùi mạnh khác có thể kích hoạt chứng đau nửa đầu chỉ sau vài phút tiếp xúc.

Vậy nên nếu cơ thể bạn phản ứng với những mùi này, hãy tránh xa nó, cơn đau đầu sẽ đỡ.

 

Sử dụng thuốc đau đầu không cần toa của bác sĩ

Khuyến cáo: Tốt nhất trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc đau đầu nào bạn cũng nên tham vấn ý kiến của bác sĩ (ít nhất là dược sĩ), đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng nhé.

Nếu tất cả những cách tự nhiên trên không giải quyết được vấn đề của bạn, hãy nghĩ đến việc sử dụng thuốc trị đau đầu

Các hiệu thuốc đều có bán các loại thuốc trị đau đầu mà không cần toa của bác sĩ. Chúng có thể có tác dụng, nhưng để có được lợi ích cao nhất với ít rủi ro nhất, hãy làm theo các hướng dẫn trước khi sử dụng và các hướng dẫn sau:

  1. Chọn thuốc trị đau đầu dạng chất lỏng thì ổn hơn thuốc viên. Cơ thể bạn hấp thụ nó nhanh hơn.
  2. Nên uống thuốc giảm đau ngay khi bạn cảm thấy đau. (nếu đã thử nhiều cách tự nhiên mà ATZ đã giới thiệu ở trên)
  3. Nếu bạn bị đau bụng khi bị đau đầu, hãy hỏi bác sĩ để họ hỗ trợ bạn.
  4. Hãy hỏi bác sĩ của bạn những gì cần làm để tránh đau đầu do lạm dụng thuốc – cơn đau xuất hiện sau một vài ngày dùng thuốc giảm đau.

Một số loại thuốc không cần kê đơn mà bạn có thể nghĩ đến:

Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc ButterburCoenzyme Q10 để cảm thấy dễ chịu hơn.

Nếu những loại thuốc này sau khi dùng sau 2-3 ngày mà không giảm đau, hãy đi khám bác sĩ ngay nhé.

 

Dấu hiệu bệnh đau đầu nghiêm trọng và bạn nên gặp bác sĩ ngay

Cơn đau của bạn có thể trở nên nghiêm trọng nếu bạn có những biểu hiện sau:

  1. Đau đầu đột ngột và rất dữ dội
  2. Ngay từ lần đầu bạn bị đau đầu là nó đã cực kỳ đau
  3. Đau đầu dài ngày (hơn 3 ngày không đỡ dù có uống thuốc trị đau đầu)
  4. Bạn bị cứng cổ và sốt
  5. Sốt cao hơn 38°C đến 40°C
  6. Buồn nôn và ói mửa
  7. Chảy máu mũi
  8. Ngất xỉu
  9. Chóng mặt hoặc mất thăng bằng
  10. Cơn đau làm bạn thức giấc
  11. Cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi bạn thay đổi tư thế khi ngủ hoặc làm việc
  12. Hoa mắt, nhìn một thành hai, choáng váng hoặc nhìn mọi thứ đều mờ hơn bình thường
  13. Khuôn mặt ngứa ngáy khó chịu và tình trạng kéo dài hơn một giờ
  14. Nhầm lẫn hoặc khó hiểu lời người khác nói
  15. Cảm giác yếu ở một bên cơ thể
  16. Đi lại khó khăn
  17. Gặp vấn đề về thính giác
  18. Đau cơ hoặc khớp
  19. Cơn đau bắt đầu sau khi ho, hắt hơi hoặc bất kỳ loại vận động nào
  20. Đau liên tục trong cùng một khu vực của đầu trong nhiều giờ liền
  21. Co giật
  22. Đổ mồ hôi đêm
  23. Tụt cân nặng mà không giải thích được
  24. Sưng trên mặt hoặc đầu của bạn (chấn thương)
  25. Một vết cắn của con vật nào đó ở bất cứ nơi nào trên cơ thể bạn

 

Cách phòng tránh đau đầu, để đau đầu mãi mãi không bao giờ làm phiền bạn

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là phương châm từ xưa đến nay của ông bà ta. Đừng để đến lúc đổ bệnh bạn mới bắt đầu quan tâm đến cơ thể hay lối sống của mình. Nhiều khi lúc đó đã quá muộn.

Dưới đây ATZ đề xuất những cách có thể giúp bạn hạn chế tối đa tình trạng đau đầu trong tương lai.

Kiểm soát những tác nhân gây đau đầu

Có một số tác nhân có thể dẫn đến đau đầu mà chúng ta có thể kiểm soát, một số khác thì không: ví dụ như thời tiết, dao động/thay đổi nội tiết tố phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, rụng trứng và mãn kinh…

Đây là tổng hợp những tác nhân có thể dẫn đến đau đầu và đau nửa đầu mà bạn có thể chủ động phòng tránh:

  1. Stress
  2. Rượu
  3. Quá giới hạn giác quan – tiếp xúc với ánh sáng quá chói, âm thanh quá to hoặc có mùi quá nặng.
  4. Mất nước – không uống đủ nước.
  5. Ngủ quá nhiều hoặc ngủ không đủ giấc.
  6. Tập thể dục quá sức.
  7. Không ăn thường xuyên.
  8. Hút thuốc.
  9. Sử dụng thiết bị điện tử hoặc ngồi trước máy tính quá lâu.
  10. Sự thay đổi lượng caffeine nạp vào mỗi ngày của bạn – ví dụ nếu bạn đang dùng cafe mỗi ngày thì chỉ cần bỏ qua 1 ly cũng có thể gây ra đau đầu.
  11. Phụ gia thực phẩm hoặc hóa chất giả tự nhiên, chất làm ngọt nhân tạo.

Ghi chép lại chế độ sinh hoạt của bạn

Đây không chỉ là thói quen của những người tập gym hay những chuyên gia dinh dưỡng mà còn là thói quen cực tốt cho bất kỳ ai muốn nghiêm túc chăm sóc sức khỏe của mình (đừng để nước đến chân mới nhảy nhé).

Một số thứ bạn cần ghi chép khi có những dấu hiệu của bệnh:

  1. Mọi thứ bạn ăn
  2. Mọi thứ bạn uống
  3. Loại thuốc bạn đang dùng
  4. Thời gian bạn thức dậy và thời gian đi ngủ
  5. Tất cả các bài tập hoặc bất kỳ hoạt động thể chất nặng nào bạn thực hiện
  6. Mọi cơn đau mà bạn có, vị trí đau, mức độ đau, thời gian kéo dài bao lâu, chu kỳ như thế nào.
  7. Sự thay đổi trong môi trường sống của bạn (chất lượng không khí, độ ẩm, độ thông thoáng…)

Tất cả những thông tin này sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán những gì gây ra đau đầu của bạn và những gì bạn có thể làm để ngăn chặn chúng tốt hơn rất nhiều.

Những kỹ thuật đơn giản mà bạn có thể áp dụng ngay

Thực hành các bước đơn giản này sẽ giúp bạn tránh được nhiều tác nhân gây đau đầu phổ biến:

  1. Duy trì tư thế đúng, và tích cực di chuyển trong ngày: Hãy thường xuyên để ý cổ và lưng nếu bạn ngồi lâu, hãy vận động xoay cổ thường xuyên. Ngoài ra, nên thường xuyên rời mắt khỏi máy tính để tránh mỏi mắt.
  2. Chọn đúng loại gối phù hợp với mình: Thay đổi độ cao hoặc độ êm của gối
  3. Hãy tạo lối sống nề nếp: Giữ một lịch trình sinh hoạt điều độ, và không thay đổi nhiều chế độ ăn uống hoặc thói quen thức dậy, ngủ và tập thể dục của bạn.
  4. Ngủ đủ giấc: Ngủ quá nhiều hoặc quá ít có thể khiến đầu bạn đập bưng bưng, vì vậy hãy đảm bảo bạn ngủ đủ giấc theo nhịp sinh học của mình.
  5. Bám sát chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục: Chọn nguồn thực phẩm lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn tránh đau đầu. Không bao giờ bỏ bữa, và nên có một bữa ăn nhẹ nhỏ giữa các bữa ăn để bạn không quá đói.
  6. Uống đủ nước: Mất nước có thể dẫn đến đau đầu, vì vậy hãy uống nhiều nước trong suốt cả ngày, nên uống từng ngụm nhỏ, không nên uống một lúc quá nhiều nước.
  7. Quản lý stress: Khi stress tích tụ có thể khiến đầu bạn có cảm giác bị đập mạnh, vì vậy hãy tìm cách đối phó với nó. Tập thể dục, thử yoga và hít thở sâu khi bạn cảm thấy căng thẳng đang đến.

 

Đừng để nước đến chân mới nhảy, hãy hành động từ bây giờ!

Đau đầu là bệnh rất phổ biến và nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hàng ngày của chúng ta, nó cũng là một loại bệnh dai dẳng có thể quay lại bất cứ lúc nào nếu bạn không cẩn thận. (cho dù bạn uống rất nhiều thuốc mà không thay đổi lối sống hay chế độ dinh dưỡng của bản thân)

ATZ Organic mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thế nào là bệnh đau đầu và biết được những cách hiệu quả có thể giúp bạn giảm đau cũng như phòng ngừa căn bệnh này.

Liệu pháp chườm nóng và liệu pháp hương thơm là những cách trị đau đầu điển hình được ông bà ta áp dụng không chỉ trong quá khứ mà còn cả ngày nay.

Bạn có thể xem qua các sản phẩm túi chườm thảo dượctinh dầu Ấn Độ của ATZ. Nếu được, bạn hãy đến cửa hàng của ATZ để trải nghiệm sản phẩm miễn phí, xem nó sẽ giúp bạn thư giãn, dễ chịu và giảm đau đầu nhanh như thế nào.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về căn bệnh đau đầu này, bạn có thể comment bên dưới để ATZ biết nhé.

Xin được đồng hành cùng nhau!

 

Thông tin liên hệ:

𝗛𝗲̣̂ 𝘁𝗵𝗼̂́𝗻𝗴 𝗰𝘂̛̉𝗮 𝗵𝗮̀𝗻𝗴: 

- TP.HCM: Cresent mall Quận 7 | Sài Gòn Centre Quận 1 | Estella Place Quận 2 | Vincom Grand Park Quận 9 | Parc Mall Quận 8

- Đà Nẵng: Vincom Ngô Quyền

- Hà Nội: AEON Hà Đông | Royal City | Lotte Department Store | Times

𝗛𝗼𝘁𝗹𝗶𝗻𝗲: 𝟏𝟖𝟎𝟎 𝟎𝟎𝟏𝟒 - 𝟎𝟗𝟑𝟏 𝟑𝟏𝟒 𝟏𝟓1

𝐄𝐦𝐚𝐢𝐥:  info@atzlife.com.vn

𝐙𝐚𝐥𝐨: https://zalo.me/atzorganic

𝐖𝐞𝐛𝐬𝐢𝐭𝐞: atzorganic.com.vn

𝐅𝐚𝐜𝐞𝐛𝐨𝐨𝐤:

ATZ Organic: fb.me/atzorganic.com.vn

ATZ Healthy Life: fb.me/atzhealthylife

Zenme: fb.me/Zenme.vn

𝐓𝐢𝐤𝐭𝐨𝐤:

ATZ Organic: tiktok.com/@atzorganicsine2010

Zenme: tiktok.com/@zenmevietnam

𝐘𝐨𝐮𝐭𝐮𝐛𝐞: youtube.com/@ATZOrganicVietnam

𝐒𝐡𝐨𝐩𝐞𝐞: https://shope.ee/4pnaA74VWx